Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Tân Kỳ - TP Hải Phòng

23/4/2023  |  English  |  中文

Di tích, danh thắng - Xã Tân Kỳ

Xã Tân Kỳ, là một địa phương đặc biệt với giá trị văn hóa và lịch sử nổi bật, trên địa bàn xã hiện diện đến ba di tích quốc gia là đình Quỳnh Gôi, đình Ngọc Lâm và chùa Nghi Khê. Mỗi công trình đều mang trong mình những câu chuyện lịch sử, nghệ thuật kiến trúc và tín ngưỡng đặc sắc.

Đình Quỳnh Gôi, đình Ngọc Lâm thuộc thôn Ngọc Lâm, xã Tân Kỳ là 2 ngôi đình cổ đều được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ Thành hoàng là Đức thánh Cao Sơn Đại Vương - vị tướng có tài cao, đức rộng và có công dẹp giặc cứu nước trong triều đại vua Hùng Vương thứ 18 và được phong tặng nhiều đạo sắc phong hiện còn lưu giữ đến ngày nay.

Ảnh: Công Hòa
Đình Quỳnh Gôi là nơi sinh ra của Đức thánh Cao Sơn Đại Vương. Ảnh: Công Hòa

Theo ông Hà Văn Míc - người phụ trách trông coi đình Ngọc Lâm, đình Quỳnh Côi là nơi mà Thành hoàng làng sinh ra nên mỗi lần lễ hội tổ chức đều có không khí vui tươi, phấn khởi. Còn đình Ngọc Lâm là nơi Thành hoàng làng tạ thế nên lễ hội có tính chất trầm lắng, thành kính hơn.

“Đình Ngọc Lâm đã trải qua nhiều lần đại trùng tu, gần đây nhất là vào năm 2018. Với sự góp sức của nhân dân trên địa bàn xã, ban kiến thiết đình đã kêu gọi được 1,6 tỉ đồng để cải tạo giữ gìn vẻ đẹp kiến trúc của công trình cổ này”, ông Míc cho biết thêm.

Đình Ngọc Lâm vẫn giữ được những giá trị lịch sử nhờ công sức của người dân địa phương. Ảnh: Công Hòa
Đình Ngọc Lâm vẫn giữ được những giá trị lịch sử nhờ công sức của người dân địa phương. Ảnh: Công Hòa
Đình Ngọc Lâm vẫn giữ được những giá trị lịch sử nhờ công sức của người dân địa phương. Ảnh: Công Hòa

Với những nét lịch sử lâu đời, đình Quỳnh Gôi và đình Ngọc Lâm đều được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 2001.

Ảnh: Công Hòa
Đình Quỳnh Gôi và đình Ngọc Lâm đều được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 2001. Ảnh: Công Hòa

Chùa Nghi Khê (còn gọi là Phúc Duyên tự) thuộc thôn Nghi Khê là nơi thờ Phật dòng Đại Thừa, thờ Thành hoàng làng là ông Nguyễn Phúc Hộ, vị tướng thời tiền Lê có công đánh giặc Xiêm, trừ giặc Tống.

Ảnh: Công Hòa
Chùa Nghi Khê. Ảnh: Công Hòa

Theo đại đức Thích Thanh Hải, trụ trì chùa Nghi Khê, ngôi chùa mang đậm dấu ấn nghệ thuật điêu khắc thời Lê với lối kiến trúc "nội công ngoại quốc" độc đáo. Hai gian đầu hồi được kết nối với hai dãy hành lang, tạo thành một không gian khép kín, hài hòa.

Ảnh: Công Hòa
Chùa Nghi Khê mang dấu ấn kiến trúc nghệ thuật của thời Lê. Ảnh: Công Hòa

Hậu cung của chùa gồm ba gian, thông liền với gian trung tâm, là nơi trang nghiêm trưng bày tượng Phật. Hiện trong chùa còn lưu giữ nhiều cổ vật phong phú và nhiều loại hình như hệ thống tượng Phật, bia ký, câu đối, đại tự và bản mục dục bằng chữ nôm.

Ảnh: Công Hòa
Các bức tượng cổ vẫn còn lưu giữ bên trong chùa Nghi Khê. Ảnh: Công Hòa

Chùa Nghi Khê được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 20.12.1997

Ông Phạm Việt Tiệp - Chủ tịch UBND xã Tân Kỳ - cho biết, hàng năm, mỗi di tích đều có lễ hội riêng, thu hút rất đông người dân địa phương và khách thập phương đến tham gia.

Hiện nay, các di tích đều lưu giữ nhiều cổ vật quý giá từ thời xưa. Tất cả cổ vật này đã được bảo quản cẩn thận, thông qua việc lắp đặt tủ trưng bày, nhằm tránh tình trạng mối mọt hay trộm cắp. Các di tích cũng được trang bị hệ thống camera giám sát cả bên trong lẫn bên ngoài, cùng với bình chữa cháy để đảm bảo an ninh và an toàn.

“Trong năm 2025, UBND xã dự kiến sẽ lên kế hoạch quảng bá rộng rãi vẻ đẹp độc đáo cũng như giá trị lịch sử lâu đời của các di tích trên địa bàn. Kế hoạch này sẽ không chỉ tập trung vào việc tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống nhằm thu hút khách tham quan, mà còn chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc của di tích”, ông Tiệp cho biết thêm.​